Văn hóa Nhật

Top 20 nhạc cụ truyền thống Nhật Bản được yêu thích nhất

Bên cạnh vẻ đẹp của những bộ kimono cầu kỳ, những tách trà đạo tinh tế hay những chậu cây bonsai được cắt tỉa khéo léo, hiếm ai chú ý đến vẻ đẹp của những nhạc cụ truyền thống Nhật Bản – những thành quả sáng tạo văn hóa được lưu giữ cả hàng nghìn năm. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu và biết nhiều hơn về những nhạc cụ truyền thống Nhật Bản.

Wagakki – Nhạc cụ truyền thống Nhật Bản

“Wagakki” là tên gọi chung dùng để chỉ các loại nhạc cụ truyền thống có lịch sử từ thời cổ đại Nhật Bản. Wagakki tập hợp hơn 50 loại nhạc cụ khác nhau từ sáo, trống, kèn, đàn,.. Mỗi nhạc cụ đều sở hữu nét thu hút, độc đáo riêng.

Nhạc truyền thống ở Nhật Bản

Âm nhạc truyền thống Nhật Bản vốn phát triển gắn liền với sân khấu kịch, múa và các loại hình nghệ thuật khác. Cả hai hình thức âm nhạc được công nhận là cổ nhất của âm nhạc truyền thống Nhật Bản đều có lịch sử từ thời Nara và Heian. Đó là shōmyō (thánh ca Phật giáo), và gagaku (nhã nhạc Nhật Bản).

Một số ví dụ về âm nhạc truyền thống ở Nhật Bản là min’yo trong Phật giáo. Đây là tập hợp các bài hát có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chúng có thể dành cho lễ kỷ niệm, đám cưới, đám tang và thậm chí cả các hoạt động tôn giáo. 

Bên cạnh đó, Gagaku – một trong những thể loại âm nhạc cổ nhất ở Nhật lại kết hợp một cách nhuần nhuyễn cả nhạc Trung Quốc, Triều Tiên, Ba Tư và Ấn Độ. Loại nhạc này trở thành nhạc cung đình, cách điệu hoá cao độ và mang đậm tính lễ nghi. Chính loại nhạc này đã đưa hệ thống âm tiết nhạc Trung Quốc vào Nhật.

Âm nhạc truyền thống Nhật Bản được đánh giá là mang lại cảm giác thư giãn cho người nghe

Phân loại nhạc cụ truyền thống Nhật Bản

Khi âm nhạc trở nên dễ tiếp cận, các loại nhạc cụ truyền thống cũng bắt đầu phát triển cùng với âm nhạc. Nhạc cụ truyền thống Nhật Bản được chế tác bằng những chất liệu độc đáo và có âm sắc, cách chơi rất riêng và thu hút.

Top 20 loại nhạc cụ truyền thống Nhật Bản

Đàn Shamisen

Đây là một nhạc cụ ba dây có nguồn gốc từ một nhạc cụ Trung Quốc, được chơi với một miếng gảy đàn được gọi là “bachi”. Ở Việt Nam, loại đàn còn có tên gọi khác là đàn tam Nhật Bản. 

Đàn Shamisen không có cấu trúc cố định mà sẽ phụ thuộc vào thể loại âm nhạc nó được sử dụng. Ví dụ như khi đệm cho kịch kabuki, đàn sẽ có phần cổ mỏng, tạo điều kiện cho yêu cầu nhanh và điêu luyện của thể loại đó. Còn loại đàn shamisen được sử dụng để đệm cho các vở kịch rối và các bài hát dân gian lại có phần cổ dài và dày hơn.

Một buổi làm quen của khách du lịch với đàn Shamisen truyền thống Nhật Bản

Sáo trúc Shakuhachi

Shakuhachi, một loại sáo trúc Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ VIII. Đầu thổi của shakuhachi được cắt xiên ra ngoài và một miếng ngà hoặc xương nhỏ được chèn vào ở mép để có thể tạo ra nhiều tông màu tinh tế. Chuông (đầu loe) gồm thân cây trúc với các đầu rễ. 

Loại sáo này có điểm khác biệt chính ở lỗ thoát âm. Shakuhachi có tổng cộng 5 lỗ, trong đó có 1 lỗ thổi và 4 lỗ bấm, so với các loại sáo khác thì cách chơi loại nhạc cụ này không hề đơn giản. Vậy nên thời gian đầu, nhạc cụ này chủ yếu được sử dụng để biểu diễn nhã nhạc cung đình. Tuy nhiên, vì âm thanh nhỏ và yếu nên loại nhạc cụ này không tạo được nhiều nét độc đáo trong âm nhạc và không được sử dụng nhiều. Đó là lý do tại sao vào thế kỷ 17, nhạc cụ này chỉ được các nhà sư sử dụng với mục đích thiền hoặc tụng kinh. Shakuhachi mang đến cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản như gột rửa đi những ưu phiền.

Loại nhạc cụ này thường được các nhà sư sử dụng trong lúc thiền định hoặc khi khất thực

Trống Tsuzumi (hay còn gọi là Kotsuzumi)

Tsuzumi là một loại trống đặc biệt của Nhật Bản có hình dạng đồng hồ cát. Thuộc dạng trống thắt eo, phần giữa trống có một đoạn hẹp hơn hai đầu trống. Nhạc cụ truyền thống này được sử dụng để đệm nhạc cho các diễn viên của nhà hát kịch Noh và Kabuki với âm thanh mỏng hơn, nhẹ hơn so với các loại trống khác. Loại trống này thường có họa tiết tượng trưng cho niềm vui, lễ kỷ niệm và lễ hội. 

Trống Tsuzumi của Nhật khá giống trống tầm vông của Việt Nam

Đàn Biwa – đàn tỳ bà cổ ngắn 

Đây là một trong những nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản lâu đời và nổi tiếng nhất. Đây cũng là nhạc cụ có dây cùng nguồn gốc với đàn tỳ bà của Việt Nam.

Đàn Biwa – đàn tỳ bà Nhật là loại đàn tỳ bà cổ ngắn có phím gắn trên cổ và gảy bằng miếng bachi (miếng gảy tam giác). Đàn được chơi bởi những người nghệ sĩ lang thang và các bài hát thì như những câu chuyện. Những màn trình diễn của họ được gọi là hát kể đi kèm diễn tấu tỳ bà. 

Đàn Biwa Nhật có chung nguồn gốc với đàn tỳ bà Việt Nam

Vào thế kỷ VII – VIII, đàn biwa thường được sử dụng trong âm nhạc cung đình Nhật. Sau đó được chơi bởi các thầy tu câm Nhật Bản thời Heian và được chơi làm nhạc nền cho câu chuyện kể. Ngày nay, người ta thường kết hợp sử dụng Biwa với các buổi biểu diễn của dàn nhạc phương Tây. Âm thanh của đàn tỳ bà vốn nổi tiếng với sự trong trẻo, nhẹ nhàng mà sâu lắng. 

Koto – Đàn tranh

Đàn Koto ra đời vào khoảng thế kỷ XIII- XV TCN tại Trung Quốc, và sau đó được du nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ Nara (710-794). Dựa vào hình dáng và cấu trúc khác nhau mà đàn Koto được chia thành nhiều loại, phổ biến nhất là loại đàn Yamatogoto dạng Đàn tam thập lục.

Một cây đàn Koto “chuẩn” bao gồm thân đàn được làm bằng gỗ Kiri có chiều dài khoảng 180cm, gồm 13 dây đàn. Các dây đàn Koto thường được làm bằng lụa và căng qua 13 thanh ngựa. Người chơi đàn sẽ sử dụng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa để điều chỉnh cường độ âm tiết thông qua việc di chuyển các thanh ngựa.

Ban đầu, đàn Koto là nhạc cụ truyền thống chỉ được sử dụng tại cung đình hoặc dành cho giới quý tộc. Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ thứ XVII, thời Heian, chúng dần trở nên phổ biến hơn với người dân. Và nó đã trở thành nhạc cụ được sử dụng chủ yếu cho các nghi lễ tôn giáo và lễ hội để tôn vinh các vị thần. 

Trong những ngày lễ đầu năm tại Nhật Bản không thể thiếu những âm thanh trong trẻo từ đàn Koto

Kokyu – Violin kiểu Nhật

Kokyu được biết đến là một nhạc cụ truyền thống duy nhất của Nhật Bản được chơi bằng cung, rất khác với các loại nhạc cụ khác được chơi bằng ngón tay hoặc miếng gảy (bachi).

Cung kéo đàn ngày trước được làm từ lông ngựa và những người biểu diễn cầm thẳng đứng trên đầu gối để chơi. Để tạo ra âm thanh rõ ràng và hay, điều quan trọng là phải di chuyển cung theo chiều dọc trên ba dây theo chuyển động nhanh. Cách chơi này tương tự như chơi violin của phương Tây.

Đàn Kokyu có hình dáng giống đàn Shamisen và cách chơi giống violin

Sanshin – Đàn tam

Một nhạc cụ truyền thống Nhật Bản có dây nổi tiếng khác là Sanshi. Về cấu tạo, loại đàn này khá giống với đàn tỳ bà Biwa, bao gồm phần thân gỗ, dây đàn, cần đàn và bộ phận lên dây. Chỉ khác là phần thân của chúng có hình tròn và được bọc một lớp da rắn bên ngoài. Đàn Sanshin chỉ có 3 dây đàn với những độ dài khác nhau, có mục đích tạo ra những âm thanh khác nhau. 

Đàn Sanshin được coi là trái tim của âm nhạc dân gian Okinawa

Ngày nay, có nhiều nhà hàng ở Okinawa thường tổ chức kết hợp biểu diễn các tiết mục đàn Sanshin để thu hút du khách. Không những vậy, trong nhiều lễ hội truyền thống, tiếng đàn Shashin là điều không thể thiếu trong phong tục và truyền thống.

Shinobue – Sáo trúc ngang

Shinobue là nhạc cụ hơi truyền thống và được chơi theo chiều ngang giống như sáo phương Tây.    

Không giống như sáo khác được bọc bằng vỏ cây, thân sáo Shinobue được làm bằng tre. Lớp bên ngoài được phủ sơn mài để thân sáo không bị nứt và trông hấp dẫn hơn. 

Shinobue – sáo ngang thường có bảy lỗ hoặc sáu lỗ. Shinobue tạo cộng hưởng rất sâu và âm thanh the thé cao. Sáo Shinobu thường được sử dụng trong cả nhạc thính phòng và các bài hát dân gian.

Shinobue có âm thanh cao vút – mang tính biểu tượng của âm nhạc truyền thống Nhật Bản

Hichiriki – Kèn dăm

Một loại kèn có dăm kép, tương tự như kèn Bóp của Việt. Cây kèn Hichiriki là nhạc cụ đi giai điệu chính trong dàn nhạc Kangen – dàn nhạc chuyên diễn tấu các bài bản khí nhạc. Âm nhạc do dàn Kangen diễn tấu thường có tính chất chậm rãi, trang trọng và đầy tính triết lý.

Có nhiều thông tin cho thấy kèn Hichiriki có nguồn gốc từ kèn Quản Trung Quốc. Đây là loại kèn dăm nứa thổi dọc có ống bằng nứa to cỡ ngón tay, dài khoảng 20 – 30 cm. Khi du nhập vào Nhật, loại kèn này thường có kích thước nhỏ và không vượt quá 20 cm. Đặc điểm nổi bật là cây gậy đôi cũng như âm thanh khá du dương.

Hichiriki là loại nhạc cụ truyền thống thường được chơi trong các điệu múa cung đình và nhã nhạc cung đình Nhật Bản

Hyoshigi – Phách Nhật

Hyoshigi là nhạc cụ truyền thống bằng gỗ bao gồm hai thanh tre hoặc gỗ cứng dài khoảng 25cm, được vỗ vào nhau để tạo ra âm thanh. Hyoshigi hay còn được gọi là thanh phách, được sử dụng để thu hút sự chú ý của khán giả tại một sự kiện hoặc buổi biểu diễn. 

Phách Hyoshigi thường được dùng trong biểu diễn múa rối ningyo joruri, kịch kabuki và trong các cuộc thi đấu vật sumo

Sho – Khèn Nhật

Sho là nhạc cụ giống như Sheng của Trung Quốc và Khèn của Việt Nam. Sho được cho là nhạc cụ dẫn đường cho sự phát triển hiện đại của đàn organ và đàn phong cầm ngày nay. Đây là một trong những nhạc cụ không thể vắng mặt trên các sân khấu trình diễn Gagaku – nhạc cung đình.

Nhìn từ bên ngoài, Sho giống như được ghép lại từ nhiều thanh sáo. Nhưng thực tế, loại nhạc cụ này có cấu tạo gồm 17 ống tre được gắn lại với nhau, trong đó 15 ống được cố định bằng một cây sậy kim loại.

Sho chủ yếu tạo ra các hợp âm và có tác dụng làm nổi bật âm thanh của các loại nhạc cụ khác trong dàn biểu diễn

Mokugyo – Trống cá gỗ

Mokugyo là một chiếc trống gỗ (hay còn được gọi là mõ) có tay cầm hình con cá cách điệu. Mokugyo được sử dụng làm nhạc đệm nhịp nhàng cho các bài hát của Đạo giáo và Phật giáo.

Mokugyo là nhạc cụ quen thuộc với các ngôi chùa Phật giáo Nhật Bản, dùng khi tụng kinh

Âm thanh ngân vang của trống/mõ cá gỗ Mokugyo có thể khác nhau do sự khác biệt về kích thước của nhạc cụ và chất liệu loại gỗ. Tiếng gõ giúp buổi lễ trang nghiêm và giúp cho người dự lễ không bị phân tâm.

Kagura Suzu – Chuông cầm tay

Đây có thể nói là loại nhạc cụ truyền thống đặc biệt nhất từ hình dáng, công dụng cho đến mục đích sử dụng. Chuông Kagura có cấu tạo nhỏ gọn, vừa với bàn tay, bao gồm phần cán và 3 – 4 các tầng chuông nhỏ được ghép với nhau. Kagura-suzu hay được sử dụng tại các nghi lễ Thần Đạo, hoặc trong các buổi làm lễ của các miko – các nữ pháp sư. Hình dạng bộ chuông được cho là lấy cảm hứng từ quả của cây Mộc Lan Ogatama. 

Chuông Kagura Suzu – chiếc chuông cầm tay mà mọi người hay được nhìn trên phim ảnh Hàn Quốc, Nhật Bản

Gekkin – Đàn nguyệt

Người ta cho rằng cái tên đàn nguyệt xuất phát từ hình dạng tròn của thân đàn, gợi đến trăng tròn. Nhưng đàn nguyệt Gekkin độc đáo ở chỗ thân đàn được tạo bằng cách khắc bốn tấm ván thành hình tròn.

Âm thanh của đàn nguyệt tươi sáng, rộn ràng, tình cảm, đa dạng

Đàn Gekkin được du nhập vào Nhật Bản từ thời Edo. Và cho đến thời Meiji đàn nguyệt mới được sử dụng rộng rãi. Đàn nguyệt thường dùng để độc tấu, hòa tấu với nhiều kỹ thuật như luân chỉ (vê), đàn khiêu (gảy).

Trống Wadaiko

Trống Wadaiko hay còn được gọi là Taiko, có xuất xứ từ Trung Quốc. Trống được du nhập vào Nhật Bản với nhiều mục đích như biểu diễn, liên lạc, quân sự,… Từ xưa, trống Wadaiko đã được sử dụng bởi các lãnh chúa phong kiến khi có chiến tranh. Tác dụng chủ yếu là huy động lực lượng và nâng cao tinh thần cho các chiến sĩ. Sau đó, loại trống này được biểu diễn trong các lễ hội tôn giáo diễn ra tại các đền, thờ.

Những màn trình diễn trống Wadaiko/Taiko thường mang tính chất mạnh mẽ, lan tỏa nhiệt huyết

Cấu tạo của trống Wadaiko chỉ gồm thân gỗ và hai mặt trống được làm từ da bò kéo căng. Thân trống phải được làm từ những thân gỗ rỗng, có tuổi đời lâu năm và đường kính lớn. Trống Wadaiko thường được trình diễn với Kabuki và Noh – hai loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Những người biểu diễn trống Wadaiko được dạy rằng nhịp trống chính là nhịp trái tim. Vì vậy phải thưởng thức chúng, trình diễn chúng bằng cả tâm hồn, bằng trái tim của mình.

Horagai – Kèn vỏ ốc

Ở Nhật Bản, loại kèn vỏ ốc xà cừ lớn được gọi là Horagai (hay có tên khác là Jinkai). Lần đầu tiên Horagai được tìm thấy vào thời Heian, khi được các nhà sư Phật giáo đệm tụng kinh. Sau đó, Horagai được các chiến binh Nhật dùng để truyền tín hiệu với nhau giữa các ngọn núi.

Kèn Horagai (gọi tắt là Hora) có thể tạo ra ba hoặc năm nốt nhạc có cao độ khác nhau. Đó là do sử dụng một miệng kèn bằng đồng hoặc gỗ gắn vào đỉnh chóp nhọn của vỏ ốc. Để tránh môi bị đóng băng trên bề mặt kim loại khi trời lạnh, các miệng kèn bằng gỗ hoặc tre được dùng thay thế.

Ngày nay vỏ ốc xà cừ vẫn được sử dụng cho một số lễ nghi như omizutori (vẽ nước)

Sáo Nohkan

Nohkan là loại sáo duy nhất được sử dụng trong các buổi biểu diễn kịch Noh. Cấu tạo và hình dáng của loại sáo này cũng giống như các loại sáo thông thường khác. Thông thường sẽ có 8 lỗ bấm, 1 lỗ ở ngay phần đầu sáo và 7 lỗ ở phần thân sáo. Tùy vào mục đích sử dụng khác nhau mà độ lớn của các lỗ sáo cũng rất đa dạng.

Nohkan là một loại sáo ngang truyền thống của Nhật Bản

Sáo Nohkan thường mang đến âm sắc khá cao, nhiều lúc nghe sẽ “hơi căng thẳng”. Chính vì vậy, Nohkan thường được dùng khi xuất hiện của các nhân vật lịch sử hoặc các vị thần. Nhiệm vụ chính là để thay đổi bầu không khí, đánh dấu sự xuất hiện của các nhân vật. 

Nhạc cụ cầm tay Mukkuri

Đây là một loại nhạc cụ truyền thống có hình dáng khá lạ mắt của người Ainu. Đây là một nhóm người bản địa sống ở Hokkaido thuộc vùng cực bắc của Nhật Bản. Cấu tạo Mukkuri bao gồm một mảnh gỗ/tre có chiều dài khoảng một gang tay, chiều rộng 1.5cm. Phần thân giữa xẻ một đường rãnh, hai bên đầu là một sợi dây có buộc kèm thanh tre nhỏ và sợi dây cuốn hình tròn. 

Chính vì sự nhỏ gọn mà người ta thường gọi Mukkuri là nhạc cụ cầm tay

Cách sử dụng loại nhạc cụ này khá đơn giản. Đầu tiên, tay trái giữ sợi dây hình tròn, tay phải giữ sợi dây đơn còn lại. Kéo mạnh mảnh tre nhỏ được buộc ở đầu dây đơn. Âm thanh “twag twag” phát ra khi sợi dây được kéo căng. Để phần cán của nhạc cụ trên ở giữa hai môi nhằm tạo độ vang cho âm thanh. Khẩu hình miệng khác nhau kết hợp với lưỡi và hơi thở thì âm thanh được tạo ra cũng khác nhau. Đây chính là vẻ đẹp của nhạc cụ Mukkuri và cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn của người Ainu.

Ichigenkin – Đàn một dây (Nhất huyền cầm)

Ở Nhật Bản, đàn một dây được gọi là Ichigenkin. Đàn cũng có một dây tơ, khi đánh đàn sử dụng móng đeo ở các ngón tay mặt. Người nghệ sĩ dùng tay trái cẩm miếng ngà để chặn dây và vuốt trên dây tạo tạo âm cao thấp.

Đàn Ichigenkin của Nhật Bản được cho là du nhập vào Nhật Bản vào thời kỳ Engetsu – Heian. Theo “Nihon Later Chronicles”, một người đàn ông học tiếng Trung đã mang đàn một dây đến Nhật Bản. Các quốc gia Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Hy Lạp cổ đại cũng tồn tại đàn một dây.

Ichigenkin Nhật Bản và đàn bầu Việt Nam đều thuộc dòng đàn 1 dây

Naruko 

Naruko là một nhạc cụ truyền thống thuộc bộ gõ của Nhật Bản. Chúng thường được nhìn thấy sử dụng trong các lễ hội. Trong lịch sử, naruko được nông dân dùng để xua đuổi lũ chim khi vào vụ mùa.

Ngày nay, Naruko được biết đến như một nhạc cụ mang tính biểu tượng. Naruko được sử dụng trong Lễ hội Khiêu vũ Yosakoi tỉnh Kochi vào giữa tháng 8 hàng năm. Người tham gia lễ hội cầm trên tay naruko và đung đưa qua lại để tạo ra âm thanh.

Du khách có thể trải nghiệm Naruko khi đi du lịch Nhật Bản vào mùa lễ hội

Mặc dù phần lớn thể loại âm nhạc truyền thống đã biến mất theo thời gian nhưng các nhạc cụ truyền thống vẫn được sử dụng trong các lễ hội, hoạt động văn hóa ở Nhật Bản. Nếu có cơ hội ghé thăm xứ Phù Tang, đừng ngại ngần mà hãy thử trải nghiệm những nhạc cụ độc đáo nhé!

Mọi thắc mắc về mảng mua hộ hàng Nhật, quý khách vui lòng liên hệ với Hanaichi theo thông tin sau:

Related posts

Thực phẩm chức năng của nhật có tốt không

admin

Những lợi ích khi mua hàng trên Mercari qua Hanaichi

admin

Mèo thần tài Nhật Bản – biểu tượng cầu may mắn và tài lộc

admin

Leave a Comment